Cầu Trần Hưng Đạo Chủ Đề Hào Khí Đông A – Hào Khí Rồng Thiêng: Tiếng Vọng Của Lịch Sử Oai Hùng

Phương án đạt giải Nhì cuộc Thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo – Hà Nội

Cầu Trần Hưng Đạo – Phương án đạt giải Nhì cuộc Thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo

Nằm trong định hướng phát triển của Thành phố Hà Nội, lấy trục không gian ven sông Hồng làm trung tâm đô thị, UBND TP đã phê duyệt dự án cầu nối quận Hoàn Kiếm và Long Biên mang tên một trong những vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại: Hưng Đạo Đại Vương. Đây là một trong số 6 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống đã được Hà Nội xác định là hướng kết nối trọng điểm nhằm đưa cơ cấu dân cư dịch chuyển dần từ bờ Nam, đặc biệt là khu phố cổ đông đúc sang bờ Bắc nhiều tiềm năng khai phá.

Tham dự cuộc Thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, Liên danh VTCO-KIDOHU đem đến 3 phương án dự thi với các ý tưởng gắn liền với danh tướng Trần Hưng Đạo và tinh hoa văn hóa thời Trần, trong đó Phương án THĐ 18 (VT0002) chủ đề Hào khí Đông A – Hào khí Rồng thiêng được BTC trao giải Nhì chung cuộc.

Cầu Trần Hưng Đạo – Phương án kiến trúc đạt giải nhì

Hào khí Đông A – Tinh thần dân tộc không bao giờ tắt

Hào khí Đông A bắt nguồn từ chiết tự của quốc họ thời Trần (chữ Trần 陳 được ghép từ hai thành phần là Đông (東) và A (阿)), là tinh thần chủ đạo trong 3 lần chiến thắng của quân dân nhà Trần trước đội quân Thành Cát Tư Hãn hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Chúng tôi không chỉ hướng đến một công trình giao thông đơn thuần mà còn thổi làn gió lịch sử – văn hóa vào công trình kiến trúc trọng điểm như cầu Trần Hưng Đạo, để bất kì một em bé, một cụ già, một người thanh niên hay một du khách phương xa khi đi qua đều nhớ đến những dấu son đầy tự hào.

Cầu mượn nét phóng tác theo nguyên mẫu Rồng nhà Trần: tự do, thoải mái nhưng cũng rất dứt khoát, mạnh mẽ, mang tinh thần phóng khoáng, hào sảng của Hào khí Đông A. Bản thân Rồng cũng là linh vật của kinh đô Thăng Long xưa, mang lại sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng, là sức mạnh của sự vươn lên. Nhóm tham gia thi tuyển trực tiếp đồng thời là tác giả của Cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành (đang thi công tại Bắc Ninh), Cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ (giải Nhất thi tuyển kiến trúc tại TP HCM)…

Cầu Trần Hưng Đạo được thiết kế công năng toàn diện

Phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo đáp ứng hầu hết công năng theo yêu cầu sử dụng, gồm có:

  • Công viên bờ sông và lối lên – xuống (4 cầu thang bộ bờ Hoàn Kiếm và 2 thang phí bờ Long Biên, ngoài ra còn có lối lên cho xe đạp)
  • Lối sàn đạo bảo trì và vọng đài quan sát cho yếu nhân, đảm bảo an ninh quốc phòng
  • Khu vực ngắm cảnh, ngắm pháo hoa, sông nước và giao thông từ trên cao
  • Hệ thống biểu diễn pháo hoa và nhạc nước,

chuyển tải trọn vẹn sứ mệnh của người thiết kế kiến trúc là mang lại hạnh phúc cho tất cả những người sử dụng, người tham gia giao thông; người quan sát từ công viên 2 đầu cầu, người di chuyển trên sông.

Cầu được thiết kế vòm thép, kết cấu mố trụ bê tông cốt thép vĩnh cửu. Chiều dài cầu chính 5 nhịp với tổng chiều dài 590m, chiều rộng mặt cầu 33m. Cầu Trần Hưng Đạo có đoạn mặt nước rất dài (gần 1km), xung quanh là đê Long Biên cũng rất dài, tuy nhiên lại bị khống chế cao độ do quy định hàng không xung quanh sân bay Gia Lâm chỉ được cao tối đa 47m tính từ mặt nước, nếu chỉ thiết kế 1 nhịp cầu sẽ lọt thỏm giữa sóng nước sông Hồng. Do đó, chúng tôi đề xuất phương án cầu 5 nhịp chính để cân đối với bề rộng trải dài của mặt nước, đồng thời đáp ứng được nhu cầu vận tải thủy trong khu vực. Bố cục cầu chia làm 5 mảng không gian: khối vòm (đế vòm, thân vòm), chân vòm cũng là trụ cầu, khối lan can 2 lớp có chức năng cản gió cho người đi xe máy và ngắm cảnh, hệ dây văng, khối công viên bờ sông. Thân vòm được đề xuất sử dụng chất liệu thép phủ composit trắng dễ bắt sáng, hứa hẹn những bữa tiệc ánh sáng đầy bất ngờ.

Điểm nhấn trong quy hoạch giao thông khu vực xung quanh cầu

Song song với bố trí giao thông trên cầu, chúng tôi còn rất chú trọng việc đánh giá và đưa ra giải pháp giải quyết ùn tắc xung quanh cầu. Thực tế, như đã xảy ra ở nút giao đường Vành đai 2 – Ngã Tư Sở (Hà Nội), dòng phương tiện lưu lượng lớn, lưu thông với tốc độ cao, khi giao cắt với “cốt 0” sẽ gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Vì vậy, chúng tôi đã đưa ra những giải pháp đồng bộ để giải quyết ùn tắc có thể xảy ra ở nút giao này. Theo đó, chúng tôi thiết kế các nhánh cầu vượt riêng biệt, phân luồng giao thông ngay tại vị trí đường Nguyễn Khoái. Các phương tiện đi hướng cầu Vĩnh Tuy, sẽ theo nhánh cầu vượt rẽ trái, các phương tiện đi cầu Chương Dương, sẽ rẽ phải đi nhánh cầu riêng. Điều này giúp san sẻ lưu lượng, giảm áp lực đáng kể cho nút giao Trần Hưng Đạo.

Nút giao bờ Hoàn Kiếm

Nút giao bờ Long Biên

Khi bắt đầu dự án, chúng tôi đã đưa ra nhiều phương án khác nhau cho nút giao hai bờ Hoàn Kiếm và Long Biên. Sau khi nghiên cứu ưu nhược điểm của tất cả các phương án, chúng tôi quyết định áp dụng nút giao ưu tiên các nhánh rẽ riêng biệt, theo thứ tự ưu tiên hướng chạy thẳng Trần Hưng Đạo – Long Biên, sau đó đến các hướng rẽ phải lên và xuống cầu, hướng rẽ trái từ Long Biên đi cầu Vĩnh Tuy. Cuối cùng là hướng từ đường Trần Khánh Dư – Nguyễn Khoái, rẽ trái vào cầu. Chúng tôi cũng điều tiết giao thông bằng công nghệ cao, sử dụng đèn tín hiệu có liên thông với camera đếm xe, để chu kỳ đèn luôn luôn được điều chỉnh đồng thời với lưu lượng xe tới. Trường hợp trong nút giao xảy ra ùn tắc, sẽ xả pha đèn xanh để trở thành vòng xoay, thoát bớt lưu lượng. Nếu tổ chức tốt nút giao đường Trần Hưng Đạo còn giúp giảm tải cho nút giao vòng xuyến cầu Chương Dương, tăng khả năng lưu thông từ phía nội đô đi Long Biên, Đông Anh và các tỉnh lân cận.

Khơi dậy khát vọng vươn lên của dân tộc

Chúng tôi đã nỗ lực thể hiện yếu tố văn hóa truyền thống bằng ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, đem đến hiệu ứng thị giác khác biệt khi di chuyển dưới 5 nhịp vòm liên tiếp tỏa rộng với góc nghiêng 8 độ. Sự kết hợp của ánh sáng cùng với hình dáng rồng uốn lượn giữa không gian đô thị hối hả, như rồng vàng dậy “sóng” trên sông, như nhịp “sống” của thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam, như dòng chảy thời gian 1000 năm lịch sử của Hà Nội luôn gắn với sông Hồng.

Việt Nam từ thời vua Hùng dựng nước đến nay đã trải hơn 4000 năm lịch sử thăng trầm. Trân trọng và gìn giữ những giá trị cốt lõi ông cha để lại, làm tiền đề để vươn mình ra thế giới, chúng tôi tin rằng cầu Trần Hưng Đạo sẽ trở thành công trình phản ánh chân thực nhất sự phát triển của ngành xây dựng nước nhà, chứng minh Hào khí Đông A không bao giờ tắt trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt”.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest

Start typing and press Enter to search