Hợp long Cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành qua sông Đuống (Bắc Ninh)

Bắc Ninh, đất phát nhà Lý, cái nôi của nền Phật Giáo Việt Nam…

Bắc Ninh nói chung và hai huyện Tiên Du, Thuận Thành nói riêng được coi là nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam với những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, chùa Dâu và đặc biệt một di tích mà duy nhất trên thế giới có được, đó là nơi thờ Thủy tổ người Việt: Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương.

Do đó, cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành được yêu cầu thiết kế với những điểm nhấn riêng biệt về kiến trúc, bảo đảm sự hài hòa trong cảnh quan của khu vực. “Trong phương án thiết kế, nhóm kiến trúc sư thể hiện 3 ý tưởng kiến trúc trong một kết cấu, mỗi hình tượng đều mang đậm nét văn hóa Kinh Bắc. Cây cầu như một dải lụa vắt qua sông Đuống, những nhịp cầu khi soi bóng xuống dòng sông tạo nên hình ảnh chiếc nón quai thao đặc trưng của người Quan họ. Ý tưởng chính là “Lưỡng long triều nhật” (hai con rồng chầu mặt trời) phù hợp với vùng đất địa linh nhân kiệt, kết hợp hào khí linh thiêng trời đất, nơi có đền thờ Kinh Dương Vương, Thủy Tổ của người Việt ở phía Nam sông Đuống và phía bờ Bắc có chùa Phật Tích, một trong những công trình Phật giáo đầu tiên của Việt Nam. Ngoài ra, phương án kiến trúc cây cầu còn dựa trên ý tưởng Bắc Ninh là quê hương của Lý Công Uẩn, vị vua khai sáng nhà Lý, gắn liền với hình ảnh rồng vàng bay lên. Điểm nhấn của cả phương án kiến trúc là chi tiết đầu rồng được thiết kế cách điệu ở giữa đỉnh vòm, đối xứng nhau qua hòn ngọc, tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời. Mỗi thân rồng có 12 vây tượng trưng cho 12 tháng mưa thuận gió hòa trong năm. giữa 2 đầu rồng là quả cầu tượng trưng mặt trời”.

Cầu có tổng chiều dài hơn 1.500m, điểm đầu thuộc địa phận xã Cảnh Hưng huyện Tiên Du, điểm cuối thuộc địa phận xã Đại Đồng Thành huyện Thuận Thành. Cầu được thiết kế quy mô vĩnh cửu bê tông cốt thép, kết hợp vòm thép và hệ dây cáp treo vào mặt cầu. Mặt cắt ngang cầu rộng 22,5m, từ mặt nước lên tới đỉnh vòm thép của cầu có độ cao lên đến 87m và là cầu vòm thép cao nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Hai đầu cầu bố trí lối đi bộ hành lên cầu, kết nối đi lại thuận tiện với đường quy hoạch khu di tích Lăng Kinh Dương Vương và phạm vi đường dẫn bên phía đê bối Cảnh Hưng. Hình dáng kiến trúc cầu có 5 vòm chịu lực mang hình tượng cặp rồng thời Lý, thân rồng cuộn hình chữ S mềm mại, uyển chuyển vờn trên sóng nước, giữa đỉnh vòm là đầu cặp rồng cất cao, đối xứng nhau qua hòn ngọc tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời.

Ngày 12/4, tỉnh Bắc Ninh tổ chức hợp long nhịp số 1, Cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành. Đối với phần cầu chính đã thi công xong toàn bộ hạng mục kết cấu phần dưới, xong hạng mục dầm bê tông để tiến hành hợp long nhịp số 1,… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng đã đề nghị Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông tiếp tục chỉ đạo tập trung vật tư, nhân lực, tăng ca thi công để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng cam kết. Công trình được khởi công tháng 1/2018 và dự kiến thông xe vào cuối năm 2022. Trong quá trình thi công, Sở GTVT tỉnh tiếp tục chủ động hợp tác với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và các chuyên gia trong nước và quốc tế tư vấn hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ để thi công công trình; tổ chức quản lý dự án, giám sát chặt chẽ.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest

Start typing and press Enter to search